"Phượt" bằng xe đạp là loại hình du lịch mới được giới trẻ ưa chuộng trong thời gian gần đây. Không chỉ có điểm mạnh về mặt chi phí hợp lý, du lịch bằng xe đạp còn đem đến những khoảnh khắc du lịch đẹp, những trải nghiệm khó quên cho phượt thủ xe đạp trong hành trình du hí của mình.

KINH NGHIỆM "PHƯỢT" BẰNG XE ĐẠP

  Admin

  20/05/2017

  0 nhận xét

 

"Phượt" bằng xe đạp là loại hình du lịch mới được giới trẻ ưa chuộng trong thời gian gần đây. Không chỉ có điểm mạnh về mặt chi phí hợp lý, du lịch bằng xe đạp còn đem đến những khoảnh khắc du lịch đẹp, những trải nghiệm khó quên cho phượt thủ xe đạp trong hành trình du hí của mình.

 

Nếu đang dự định làm một chuyến "phượt" bằng xe đạp, bạn nên xem qua những kinh nghiệm được chia sẻ bên dưới để đảm bảo mình có một chuyến đi an toàn và vui vẻ.

 

 

Xe đạp nào thích hợp cho "phượt"?

 

Xe đạp địa hình (mountain bike):

Chức năng của loại xe này là đi trên đường núi dốc, gồ ghề đầy đá và hố lởm chởm. Sử dụng loại xe này, bạn sẽ bớt đi sự lo âu về vấn đề xì lốp, gặp những đoạn đường xấu. Bạn sẽ không ngần ngại chạy qua những đoạn đường đầy đá dăm. Tuy vậy, vì trọng lượng xe này tương đối nặng, bánh xe lại hơi to, nên người sử dụng phải tốn nhiều sức.


Đây không phải là loại xe chạy tốc độ nên thời gian đi trên đường sẽ hơi lâu. Nếu bạn đi xuyên Việt theo kiểu du lịch tự tải, xe của bạn phải có braze-on (bộ phận lắp đặt yên xe dùng cho việc chuyên chở hành lý...). Nên lắp thêm viền chắn cho bánh trước và sau để tránh đất cát văng lên mặt khi đi trong mưa. Để tránh vấn đề gãy nan hoa thường xuyên, bạn nên dùng bánh xe có từ 36 nan hoa trở lên.


Xe đạp đua (road bike):

Khi sử dụng loại xe này bạn có được điểm lợi về tốc độ, nhưng bù lại, bạn không thể đi quá nhanh ở những đoạn đường xấu, gập ghềnh. Vỏ và ruột xe của loại xe đạp đua lại rất mỏng nên rất dễ bị hỏng khi gặp chướng ngại vật. Nếu sử dụng loại xe này, tốt nhất bạn nên mang thêm vỏ và ruột xe dự phòng. Điểm khác cần lưu ý khi sử dụng loại xe này là phải hết sức cẩn thận trong lúc đi mưa vì xe rất dễ bị trượt.

 

Xe đạp thực dụng (touring bike):

"Touring bike" được thiết kế cho mục đích du lịch, du mục nên loại xe này không nặng, ngắn đòn như mountain bike và cũng không mảnh khảnh như road bike. Ghi đông, dàng thắng, hệ thống tăng/giảm líp xe đều có chất lượng cao. Ghi đông loại cụp như xe cuốc để người sử dụng dễ thay đổi tư thế điều khiển cho bớt mỏi mệt, bớt cản gió và thư thái hơn trên những đoạn đường dài, lộng gió.


Sườn xe cứng cáp, nhẹ và dài đòn để công việc chuyên chở hành lý không vướng víu, cản trở những vòng đạp. Vành xe rắn chắc vì có từ 36 nan hoa trở lên, vì thế vấn đề gãy nan hoa, cong vành hầu như không xảy ra. Loại bánh xe thích hợp cho du lịch ở Việt Nam là loại 700c x 28, hoặc 700c x 36.
Vận tải hành lý


Nên dùng một cặp giỏ treo và một rương nhỏ phía sau để chứa dụng cụ và đồ dùng cá nhân. Nếu bạn có loại chống thấm nước thì không cần chuẩn bị bọc chống mưa cho hành lý. Chuẩn bị những vật dụng tải phía sau này sẽ cất được gánh nặng hành lý trên đầu tay lái, vừa khó điều khiển lại vừa không an toàn cho bạn.

 

Dụng cụ cần thiết cho chuyến đi? 

Những dụng cụ liệt kê dưới đây được xem là những dụng cụ thiết yếu và không thể thiếu cho một hành trình xa.

- Một hoặc hai ổ khóa dài dùng để khóa tất cả xe của nhóm"phượt"


- 2 cây mỏ lết lớn


- 1 cây kìm.


- 1 hệ thống tăng giảm líp ở phía sau


- 1 bộ dây phanh


- Một ống bơm nhỏ


- 3-4 xăm xe


- Một lốp xe loại cuộn tròn


- Một bộ dụng cụ tháo lốp xe


- Một bộ dụng cụ vá xăm xe


- Một bộ khóa mở ốc nhỏ


- Một hoặc hai cặp phanh phụ


- Một bộ vặn nan hoa


- Một đồ tháo lắp xích và hộp xích


- Nan hoa xe: mang đúng loại, đúng cỡ.


- Một khóa xe đạp.


- Đồng hồ đo tốc độ, đường dài, nhiệt độ...

 

Hành lý cá nhân nên mang những gì?

Hành trang lí tưởng nhất là từ dưới 15kg. Dựa theo thời gian của chuyến đi mà mà thu xếp hành lí càng gọn nhẹ càng tốt. Hạn chế đem theo quá nhiều các thiết bị điện tử và đồ có giá trị, quý giá.


- Giày: Một đôi giày chạy xe đạp để đường xa đỡ tốn sức; một đôi xăng-đan tiện dụng để có thể "bảnh" hơn khi dừng chân du lịch, tham quan.


- Nón mũ, dụng cụ chống nắng: Một mũ bảo hiểm; Kính đeo mắt loại dùng đi xe đạp, bảo vệ mắt bạn khỏi bụi và nắng; Một lọ kem chống nắng loại tốt, không có kem chống nắng bạn có thể bị cháy nắng đen như một cục than... đá; Vòng đeo đầu để thấm mồ hôi, nếu không, kính râm của bạn sẽ bị mờ vì mồ hôi rỉ xuống.


- Bình chứa nước: Sử dụng một trong hai cách sau để mang theo nước uống trên đường: Sử dụng hai bình đựng nước uống loại treo theo sườn xe, một bình chứa nước lọc, một bình chứa nước tăng lực; Hoặc sử dụng một bình nước và một bị nước, bị nước sẽ chứa nước lọc còn bình thì chứa nước tăng lực.


- Thức ăn, nước uống tăng lực:


Để sẵn trong hành trang bột pha nước tăng lực và thức ăn nhanh đầy dinh dưỡng và calo. Chỉ mang theo vừa đủ cho chuyến đi để tránh vấn đề quá tải. Bột để pha nước tăng lực, tiếp sức, giảm mất nước, và chống "chuột rút" (hydration drink powder hoặc electrolyte drink powder), rất quan trọng ở những chặng đầu và những chặng có khí hậu quá nóng, quá dài và có quá nhiều đồi, đèo.


Thức ăn nhanh như bánh quy mặn, khoai tây chiên, chocopie, sô-cô-la, kẹo lạc, bim bim... Những thức ăn nhanh này rất cần trong những chặng quá dài hoặc nhiều dốc, lắm đèo.


- Quần áo, găng, vớ (tất):


Hai quần dùng để chạy xe đạp giúp "bàn tọa" của bạn đỡ bị phồng vì ngồi cả ngày trên yên xe.


Hai hoặc ba áo chạy xe đạp giúp bạn mát và không mất nước nhiều.


Hai đôi găng tay chạy xe đạp rất cần nếu không bạn sẽ bị phồng cả đôi bàn tay.


Một đôi vớ giữ ấm chân có thể dùng ở mọi thời tiết, giữ ấm và giảm cháy nắng ở đôi chân.


Một đôi găng tay dài có thể phủ cánh tay giữ ấm đôi tay khi đi trong khu vực có thời tiết lạnh và làm giảm cháy nắng ở đôi tay.


Một bộ quần áo đi mưa loại nhẹ dùng đi xe đạp vừa tránh mưa vừa giúp bạn giữ hơi ấm.


Bốn đôi vớ (tất) tốt. Bạn chớ quên điều này vì nếu bạn chỉ có một đôi thì bạn cùng phòng sẽ không... thở được sau một ngày vất vả!


- Đồ lót: Nên mang theo một ít để khi không giặt thì bạn vẫn còn có thể sử dụng tạm đến ba, bốn ngày.


Một đến hai quần đùi để tránh phải "trần như nhộng" trong phòng.Hai áo thun. Dùng để đi ngủ hoặc đi chơi.


Một bộ quần áo gió. Dùng cho các vùng có khí hậu lạnh.


Một bộ quần áo "kiểng". Nên sử dụng loại vải nhẹ, dễ giặt ủi, mau khô. Bạn đừng quên mang theo một bộ quần áo lịch sự để có thể diện khi đi dạo phố, tham quan.


- Linh tinh:


Tuy bị xếp vào hàng linh tinh, nhưng thiếu những thứ này e rằng chuyến đi của bạn... khốn khổ đấy nhé!


Một bóp đi du lịch. Dùng cất giữ những giấy tờ quan trọng.

 

Điện thoại di động và đồ sạc.

 

Một bàn chải đánh răng, kem đánh răng, chỉ nha khoa.


Thuốc trị bệnh cần thiết như đau bụng, cảm, cúm, nhức đầu, tiêu chảy...Một cuộn giấy đi vệ sinh phòng khi... chưa kịp uống thuốc.


Thuốc chống muỗi.


Một khăn tắm loại nhẹ, dùng khi bạn... hứng tắm biển dọc đường.


Một máy chụp hình nhỏ, nhẹ. Giúp bạn tiện dịp ghi lại cảnh đẹp dọc đường.


Một đèn chớp nhỏ và một đèn pha phòng khi đêm xuống.


Sau cùng là... tiền! Nên mang theo tiền đủ chi dùng cho việc ăn uống, nghỉ ngơi.

 

Một vài lưu ý nhỏ cần chú ý do một phượt thủ chi sẻ:

 

- Tham khảo thông tin và lên kế hoạch cẩn thận cho từng ngày hành trình. Tìm hiểu trước những địa điểm ăn uống, dừng chân, và nghỉ đêm. Đến những vùng miền khác, bạn có thể bị "chặt chém" với giá dịch vụ khá cao, nên tìm hiểu và hỏi giá cũng như trả giá nhiệt tình sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều kinh phí.

 

- Máy ảnh hoặc máy quay nhỏ gọn sẽ rất cần thiết để ghi lại những hình ảnh đẹp của chuyến đi. Một thứ cũng không thể thiếu là bản đồ hoặc thiết bị định vị GPS. Với công nghệ hiện nay thì một chiếc điện thoại nhỏ gọn có tích hợp đầy đủ chức năng trên sẽ là vật bất ly thân tuyệt vời của bạn.

 

- Hết sức cẩn thận khi tham gia giao thông, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc, đường quốc lộ còn khá xấu, xe chạy ẩu. Nên trang bị bảo hộ đầy đủ. Có thể mua bảo hiểm du lịch nếu bạn đi dài ngày. Không nên đi vào buổi tối, hoặc đi những cung đường vắng vẻ mà không có người đi cùng.

 

-  Nên có bạn đồng hành trong chuyến đi, trừ khi bạn thực sự có thể tự lập và thích khám phá một mình.

 

- Giữ tinh thần vui vẻ lạc quan. Giao tiếp nhiều với dân địa phương sẽ mang lại cho bạn nhiều khám phá thú vị.